TÍN ĐIỀU

Liên quan tới Maria, nhiều người tỏ ra chống đối và sợ hãi, cái sợ hãi nhiều khi khoác áo diễu cợt. Hãy nhìn lại vài tín điều để hiểu thêm Maria. Ta bắt đầu với tín điều khó hiểu, khiêu khích nhất, đó là tín điều đồng trinh, hình thành năm 553. Đó là một câu chuyện sinh học? Hay phải hiểu nó như thế nào?

Về chuyện anh chị em của  Đức Giê-su, Tin Mừng cho biết Đức Ki-tô không có anh chị em ruột nào cả, và mẹ Maria cũng chẳng sinh ai thêm. Trái lại, Ngài có một tương quan đặc thù và duy nhất với mẹ Maria quá rõ, đến nỗi người ta chỉ có thể hiểu là anh chị em họ mà thôi, chứ không phải anh chị em ruột. Maria là của Giê-su mà thôi chứ không là của ai khác nữa.

Tại sao không?

Là bởi việc sinh ra này không do liên hệ với một người đàn ông, mà do chính sự can thiệp của Chúa. Ngày nay có người bảo: không, việc Chúa sinh ra không thể dính dáng tới sinh học được, vì đó là chuyện bất xứng đối với Thiên Chúa, và rồi gạt nó qua một bên. Quan niệm như thế là họ đang ngã theo thuyết Ma-ni-kê, chối bỏ nhân tính của Đức Ki-tô.Con người cũng là sinh học. Và khi ta không nhìn nhận mặt thân xác, mặt sinh học nơi con người, thì một cách nào đó, vật chất sẽ bị khinh miệt và bị đẩy ra ngoài, và rồi như thế rốt cuộc ta cũng sẽ coi việc nhập thể là chuyện giả tạo. Vì vậy tôi chống lại lối lập luận trên. Đây là một con người thật, toàn diện - Câu trả lời cho vấn nạn trên là đó. Thiên Chúa cũng đã nắm lấy sự sống – cả sự sống thể lí, sinh lí lẫn vật chất – và đặt để vào đó một dấu chỉ.Về sự kiện này, tôi cho rằng các giáo phụ đã tìm ra được một hình ảnh đẹp. Tiên tri Ê-sê-ki-en, chương 40, viễn kiến về một đền thờ mới, trong đó có một “cánh cửa phía đông” chỉ dành cho nhà vua bước vào mà thôi. Các giáo phụ coi đó là một biểu tượng. Trước hết các ngài xem đó là một đền thờ sống động: Giáo Hội sống động. Cánh cửa, qua đó không ai ngoài  Đức Giê-su đi vào, nếu không phải là mẹ Maria thì còn ai hay cái gì vào đó? Vì thế, không thể kéo Mẹ, người sinh ra Thiên Chúa, xuống hạng tầm thường được. Ngài là cánh cửa dành riêng cho nhà vua. Và như vậy chính ngài trở thành cánh cửa thật của lịch sử, qua đó vị mà cả nhân loại trông đợi bước vào.

Nghĩa là trước sau vẫn là: Sinh con mà vẫn đồng trinh?

Vâng.

Tín điều vô nhiễm nguyên tội năm 1854 muốn nói lên điều gì ?

Hậu cảnh của tín điều đó là giáo huấn về tội tổ tông. Giáo huấn này dạy rằng, mỗi chúng ta thoạt tiên sinh ra từ một liên hệ tội lỗi – chúng ta gọi đó là “rối loạn tương quan” -, và do rối loạn này mà ngay từ đầu tương quan giữa ta với Chúa đã bị sứt mẻ. Trong quá trình phát triển giáo huấn đó dần dần đã nẩy ra một suy nghĩ trong thế giới Ki-tô giáo, là Maria không thể rơi vào tương quan sứt mẻ đó được, vì ngay từ đầu ngài là cánh cửa của Thiên Chúa, cánh cửa đã được đặc biệt tạo ra để Chúa bước vào.

Về điểm này, đã có một cuộc tranh cãi lớn trong thời trung cổ. Một bên là các tu sĩ đa-minh. Họ bảo rằng Maria là một con người bình thường như những người khác, nghĩa là ngài cũng mắc tội tổ tông. Phía bên kia là các tu sĩ phan-sinh, lí luận ngược lại. Tóm lại, qua cuộc tranh cãi dai dẳng đó, lần hồi một quan điểm đã kết tinh, bảo rằng sự lệ thuộc của Maria vào Đức Ki-tô mạnh hơn sự lệ thuộc của ngài vào Adam. Và quan điểm đó cũng bảo rằng Maria đã được Thiên Chúa chuẩn bị cho Đức Ki-tô từ trước rồi, và chính đó là đặc điểm của đời ngài. Vì Maria là nguồn của một khởi đầu mới, nên ngài không thể thuộc vào tương quan tội lỗi kia được: Tương quan giữa ngài và Chúa không bị sứt mẻ, ngay từ đầu ngài đã được Chúa bảo bọc một cách đặc biệt, Chúa đã “đoái xem” ngài (Magnificat) và đã để ngài hướng lên với Chúa.

Hơn nữa, vì Maria thuộc về Đức Ki-tô một cách đặc biệt, nên tương quan này đã đặt ngài hoàn toàn trong tình trạng đầy ơn phúc Thiên Chúa. Lời chào thoạt tiên xem ra đơn giản của thiên thần “Cô đầy ơn phước” như vậy có thể hiểu là ơn phước đó bao trùm cả cuộc đời của Maria. Đây rốt cuộc không hẳn đơn giản chỉ là một đặc ân của Maria, mà còn là một hi vọng cho tất cả chúng ta.

Vấn đề càng khiêu khích hơn: Mẹ hồn xác lên trời. Tín điều này muốn nói gì? Nó được hình thành khá trễ, vào năm 1950. Chuyện quái lạ, là ngay từ đầu, chúng ta chẳng thấy một vết tích gì về Maria được để lại, chẳng có mồ mà cũng chẳng còn hạnh tích nào.

Hẳn nhiên tìn điều này thật khó hiểu đối với tất cả chúng ta, bởi vì ta không mường tượng được trời là gì. Lại càng khó hiểu khi mường tượng cả một thân xác được đưa lên. Xem thế, tín điều này đặt ra cho trí óc ta một bài toán lớn, đó là phải hiểu trời và xác như thế nào, phải hiểu về chính con người và tương lai của nó ra sao…

Và cá nhân ngài đã giải bài toán đó như thế nào?

Tôi đã nhờ thần học về phép rửa của thánh Phao-lô để hiểu, khi thánh nhân nói: “Thiên Chúa đã cho ta sống lại với  Đức Giê-su và cho ta cùng ngồi trên nước trời trong Đức Ki-tô Giê-su” (Ê-phê-sô 2,6). Có nghĩa là, khi lãnh phép rửa, tương lai của chúng ta đã được báo trước rồi.

Như vậy, tín điều chỉ nói lên điều này, là hệ quả của phép rửa : - được ở (“ngồi”) bên Chúa (Chúa là nước trời!)- đã ứng nghiệm đầy đủ nơi Maria. Phép rửa (cùng ngồi với Đức Ki-tô) đã đạt được đầy đủ hiệu năng cuả nó. Nơi chúng ta, việc cùng ngồi với Đức Ki-tô, việc được sống lại với Ngài còn bất cập, còn rất mong manh. Nhưng nơi Maria thì khác. Ngài không thiếu gì nữa. Ngài đã bước vào cộng đoàn toàn đầy với Đức Ki-tô. Và một khi ở trong cộng đoàn này thì ngài cũng có một cuộc sống thân xác mới, mà chúng ta không thể mường tượng được nó như thế nào.

Tóm lại, căn bản của tín điều là Maria đã hoàn toàn ở bên Chúa, hoàn toàn bên Đức Ki-tô, hoàn toàn là một “tín hữu ki-tô”.

Hơn một triệu tín hữu đòi Giáo Hội công giáo nâng Maria lên thành “đấng cùng cứu độ”. Yêu cầu đó sẽ được thoả mãn – hay đó là một lạc tín?

Không phải một, mà hiện có nhiều triệu người yêu cầu điều đó. Nhưng tôi tin đòi hỏi này sẽ không được đáp ứng trong tương lai gần. Câu trả lời của Bộ giáo lýđức tin: vai trò cùng cứu độ đó đã thể hiện khá rõ ràng trong các tước hiệu khác của mẹ Maria rồi, còn danh hiệu “đấng cùng cứu độ” đi quá xa Kinh Thánh và các giáo phụ, nên sẽ gây ra hiểu lầm.

Đâu là cái đúng trong đó? Đúng, là Đức Ki-tô không đứng ngoài hay bên cạnh chúng ta, mà Ngài cùng với chúng ta xây dựng một cộng đoàn mới và thiết thân. Những gì của Ngài là của ta và những gì của ta Ngài đều nhận vào mình, để trở thành của Ngài: Sự trao đổi lớn lao đó là nội dung của cứu độ, là sự mở toang cái tôi và bước vào cộng đoàn với Chúa. Vì Maria đã thể hiện Giáo Hội đích thực nơi mình, có thể nói ngài là Giáo Hội bằng xương thịt, nên sự “đồng cứu độ” đó đã được thể hiện một cách mẫu mực. Nhưng trên cái “đồng” đó ta không được quên cái “trước tiên” của Đức Ki-tô: Mọi sự đều đến từ Ngài, như đã được đề cập một cách đặc biệt trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô và Kô-lô-xê; và tất cả những gì nơi Maria đều cũng đến từ Đức Ki-tô.

Chữ “đấng cùng cứu độ” có thể sẽ làm lu mờ cái nguồn cội đó. Một  ý hướng đúng được diễn tả bằng một từ ngữ sai. Chính trong vấn đề đức tin ta không được đứt đoạn với ngôn ngữ Kinh Thánh và của các giáo phụ; không được chế biến ngôn ngữ đó một cách tuỳ hứng.